Đấu thầu Mua sắm công

VĂN BẢN MỚI

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

33 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 177

  • Tổng 638.582

NGỌT NGÀO DƯA HẤU HÀM NINH

Post date: 08/04/2022

Font size : A- A A+

Ngày đó, giữa thu năm 2005, nắng “chác trọ”, tôi cùng anh bạn Ánh Dương- lúc đó là phóng viên (nay Trưởng đài) Đài Truyền thanh- Truyền hình huyện Quảng Ninh tác nghiệp, làm phóng sự truyền hình “Dưa hấu trên đất lúa một vụ ở xã Hàm Ninh”.

Còn nhớ, ông Nguyễn Đức Hiếu- người trồng dưa ở thôn Trần Xá bổ một quả dưa chín đỏ, mấy anh em cùng “giải khát” giữa đồng khô nắng đốt mặt. Dưa quá ngọt, Ánh Dương nói “Cũng đã ăn dưa đỏ ở nhiều nơi, nhiều lần nhưng sao dưa ở đây ngọt lạ, ngọt hơn hẵn những nơi khác tui từng ăn”. Tôi nói vui “Ông không biết à, dưa Trần Xá ngọt trắc là bởi đất ở đây ngọt. Đồng đất các nơi người nông dân làm mỗi năm hai vụ lúa, cây lúa đã hút hết độ “ngọt” trong đất rồi, còn đồng đất ở đây chỉ một vụ lúa thôi nên trồng dưa, dưa mới ngọt lịm đến thế”. Ông Hiếu tiếp lời “Chú nói để cười, nhưng có điều, từ ngày khai sinh lập địa làng Trần Xá đến nay, đồng đất ở làng nói riêng, ở xã Hàm Ninh nói chung được người đời mệnh danh là vùng “bán tử địa”. Không ai nhớ rõ từ thuở nào, mỗi năm, người nông dân chủ yếu làm và thu hoạch vụ năm- tháng chạp năm trước cấy, đến tháng 5 năm sau gặt. Gặt mùa xong, cuối tháng 5, trời trong veo, nắng nóng khét lẹt, gió Nam(gió Lào) thổi khô khốc, đồng cháy, các mương máng, ao hồ và dưới ruộng đất nứt toác không một giọt nước. Nhưng lạ, đó cũng là thời điểm dân Hàm Ninh ra đồng làm lúa vụ mười(lúa không gieo, không cấy, chỉ cày bừa xong dùng tay vung thóc giống lên mặt ruộng cho đều, khi mưa xuống hạt thóc mới nẩy mầm, mãi đến tháng 10 thu hoạch). Làm lúa vụ mười, còn gọi là vụ vại, khổ nhất là công đoạn đập đất bửa. Nắng nhòa mắt nhưng giữa đồng, người dân vẫn nai lưng, vung đùi vồ bổ xuống những tảng đất thịt nặng, chai cứng do trâu còng lưng cày lên. Đập đất bửa, đất vại, những ngày đầu ai mà không bị bong tay, phỏng da mới lạ. Bàn tay ai cũng đau rát, tứa máu, sau đó mới chai sạn. Vất vả là thế nhưng đến vụ thu hoạch, nhà nào được mùa thì may lắm cũng đủ thóc ăn đến kỳ giáp hạt. Do vậy, người dân nơi đây đành “đoạn tuyệt” với vụ lúa tháng 10, còn vụ 5 chuyển dịch thời vụ thành vụ đông- xuân. Thế nhưng, người nông dân như thể sinh ra là để làm ruộng, bởi bỏ vụ 10, lắm người đứng ngồi không yên, vẫn ra đồng để làm lúa hè thu như các nơi, nhưng khốn nổi “nước ơi!”, lúa không nước, cây lúa nào ngu ngoe lên chút rồi cũng khô. Rốt cuộc, đồng đất “bán tử địa” lại hoàn bán tử địa. Vậy, từ đó, người nông dân Trần Xá nói riêng, Hàm Ninh nói chung đành phải chăm bẵm một vụ đông- xuân để có thóc gạo “trang trải” quanh năm.

Thế nên, người dân nơi đây mà chủ yếu là lực lượng trai trẻ thiếu việc làm đành dắt dìu  nhau “chùng lén” lên rừng khai thác trầm hương, huê để có thu nhập. Hết khai thác hai thứ gỗ quý đó ở ta, họ lại lưu lạc sang rừng Lào, Thái Lan, Cămpuchia, Malaixia, Myama, Trung quốc; những cuộc mưu sinh đó thực sự có người giàu lên nhưng cũng không ít người lâm cảnh “ham của rừng rưng rưng nước mắt, người thì bỏ xác lại nơi chốn rừng thiêng nước độc, người đi thì có về thì không… Lại một cuộc mưu sinh khác, tìm kiếm việc làm các tỉnh phía Nam. Thằng em  tui- Nguyễn Đức Sinh, sau nhiều năm “lặn lội” trồng dưa thuê ở tỉnh Khánh Hòa, nó nhận thấy, đất ở đó giống đất thịt quê mình sao họ trồng dưa hấu được mà người dân ngoài mình lại bỏ đồng hoang! Trăn trở nhiều đêm, Sinh quyết định “ăn cắp  nghề” và rồi thằng em mua hạt dưa giống An Tiêm 1 “khăn gói” về quê. Đưa chuyện trồng dưa trên đất lúa một vụ ra trao đổi, bàn bạc cùng mấy anh em, chú cháu. Mới đầu, cuộc đàm luận của Sinh bị bác bỏ, chống đối, cho rằng sẽ “tiền mất, tật mang”. Phân tích mãi, sau đó tui và em trai Nguyễn Đức Vỹ đành lòng nghe theo Sinh”.

Giữa cái nắng tháng 5 bõng da, ba anh em kéo nhau ra đồng đóng trại, dựng lều làm đất trồng dưa trên diện tích 6 sào. Người dân Trần Xá thấy chuyện lạ, từ thời các vị thủy tổ các dòng họ lập làng, từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, đã có ai trồng dưa hấu trên cánh đồng quê mình chưa? Mà lại trồng trên đất khô hạn! Không bao giờ, không một ai dám. Đừng nói ở làng Trần Xá, đừng nói ở xã Hàm Ninh mà ngay ở huyện Quảng Ninh bấy lâu nay chưa có làng nào, xã nào trồng dưa hấu.  Mùa hè, ai có về chợ Đồng Hới cũng chỉ thấy người ta bán dưa hấu Lộc Đại (xã Lộc Ninh) hoặc dưa các huyện, các tỉnh khác chở đến mà thôi… Vậy mà, điều kỳ diệu cũng đã đến; ăn uống, mời mọc, cho biếu xong, 6 sào dưa “thử nghiệm” 3 anh em cũng bán được 15 triệu đồng, trừ mọi chi phí, ba người bỏ túi 12 triệu đồng. Đến lúc đó, người dân làng Trần mới chà chà, giỏi giỏi, giỏi thiệt. Nghe chị Nguyễn Thị Thao- Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hàm Ninh thời đó “nhanh miệng khoe”, tôi cùng Ánh Dương mới “chớp ngay” phóng sự đầu tiên về dưa hấu Hàm Ninh.

Người Hàm Ninh vốn quen nắng mưa, chai sạn với đồng áng, rú rừng, học giỏi, học hỏi nhanh nên vụ hè thu năm sau không những dân Trần Xá mà cả những người “một nắng hai sương” ở thôn Quyết Tiến và thôn Trường Niên cũng ra ruộng, dựng lều trại trồng dưa hấu. Tất cả 23 hộ, trồng thử trên diện tích gần 5 ha. Các hộ dân này đều được anh Nguyễn Đức Sinh bày cách làm đất, lên luống, làm rãnh, chọn và mua giống, kỹ thuật gieo hạt, bón phân… nên dưa ai cũng ra quả nhiều, quả to, ăn ngọt, bán được giá. Qua hai vụ dưa, xã Hàm Ninh mới có cơ sở khẳng định đồng đất Hàm Ninh trồng dưa hấu vụ hè thu cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. UBND xã kết hợp Ủy ban Mặt trận xã mở hội nghị tuyên truyền về mô hình trồng dưa hấu trên đất lúa một vụ và khuyến khích nhân rộng mô hình. UBND xã báo cáo với UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, Trạm khuyến nông và được UBND huyện khảo sát, đánh giá, hỗ trợ một phần kinh phí để động viên người trồng dưa. Phòng nông nghiệp và Trạm khuyến nông huyện phối hợp với UBND xã mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng dưa hấu cho người nông dân. Được tập huấn, trồng trên đất bỏ hoang, có tiền hỗ trợ, ai mà không muốn làm. Đến vụ hè thu năm 2009, ngoài thôn Trần Xá, các thôn Quyết Tiến, Trường Niên và Hàm Hòa đều trồng dưa hấu. Cả xã có 145 hộ, trồng trên diện tích 36 ha. Ông Nguyễn Đức Nhiên- Chủ tịch UBMTVN xã Hàm Ninh, người tích cực tuyên truyền, vận động, cũng là người tìm tòi, nghiên cứu, vận dụng kỹ thuật trồng dưa hấu chia sẻ “Đặc thù của dưa hấu là trồng trên đất ruộng lúa, đất thịt nhẹ, nơi ruộng cao nên thịt dưa giòn, ngọt đậm. Qua trồng dưa, bà con nông dân đã nhanh chóng nắm chắc quy trình kỹ thuật và bước đầu có kinh nghiệm trồng dưa. Các hộ đều áp dụng kỹ thuật trồng có trải bạt Plastic để giữ độ ấm cho đất, mặt khác, mặt tráng bạt phản chiếu ánh sáng mặt trời nên tạo nhiều ánh sáng cho cây dưa quang hợp, kích thích cây phát triển. Ngoài ra, trải bạt hạn chế cỏ mọc và sâu bệnh, côn trùng phá hại, tránh bốc thoát hơi nước và phân bón nên dưa cho năng suất cao hơn trồng không trải bạt”. Tôi hỏi “Trong các giống dưa đã trồng trên đất Hàm Ninh, giống nào cho năng suất cao hơn?”. Rít một hơi thuốc thật đậm, ngửa cổ phả ra, khói thuốc cuộn tròn thành hình nhiều chữ o, to nhỏ khác nhau, chen chúc bay lên trời, ông Nhiên thong thả “Cho đến nay, bà con đã đưa nhiều giống dưa vào trồng, đó là các giống An Tiêm 1, An Tiêm 95, Hắc Mỹ Nhân, Vinh Nông, Phù Đổng và Hoàn Châu. Mỗi giống có ưu nhược khác nhau, nhưng tại đất Hàm Ninh, các giống Hắc Mỹ Nhân, Phù Đổng và Hoàn Châu đều cho quả to, đồng đều, vỏ mỏng, ít hạt, thịt dưa giòn, ngọt đậm, giá trị thương phẩm cao. Hai giống Hoàn Châu và Hắc Mỹ Nhân vẫn là chủ lực, năng suất cao hơn nên bà con trồng nhiều”.

 

          Bước ngoặt về sản xuất nông nghiệp ở xã Hàm Ninh là từ vụ hè- thu năm 2010, nước Rào Đá đã vượt sông Kiến Giang về tưới tiêu cho đồng ruộng. Kể từ đây, tiếng tăm Hàm Ninh là vùng đất “bán tử địa” đã chính thức xóa bỏ. Có nguồn nước Rào Đá về,  Đảng, Nhà nước như đã tiếp thêm sức sống cho người Hàm Ninh, người dân nơi đây như mát mẻ hơn, khỏe khắn hơn, mừng khấp kha khấp khởi bởi từ nay đã được gieo cấy lúa hai vụ đông- xuân và hè- thu như các địa phương khác, không còn chuyện đến vụ hè- thu bỏ hoang 259 ha ruộng nữa. Tuy nhiên, những chân ruộng cao, vụ hè- thu bà con vẫn trồng dưa hấu, diện tích trồng dưa hấu hàng năm của xã dao động từ 25 ha đến 36 ha(thời điểm đó). Không những trồng dưa hấu vụ hè- thu, đã nhiều năm nay, nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích ruộng cao, diện tích gieo cấy lúa có năng suất thấp, bấp bênh sang trồng dưa hấu vụ xuân- hè. Người tiên phong trồng dưa vụ xuân- hè là ông Trần Quang Quản ở thôn Trần Xá. Ông cùng vợ- bà Nguyễn Thị Nghỉ trồng 3 sào ở vùng “Cây Nêu” phía ngoài cổng làng. Thế là, lần thứ hai dân Trần Xá có dịp “lui tới dòm ngó” quan sát những người “đột phá” trên lĩnh vực nông nghiệp. Thật ra, chưa ai dám trồng dưa vụ xuân- hè cũng có cơ sở, bởi đặc điểm cây dưa không ưa nước “nắng tốt dưa, mưa tốt lúa” mà. Trồng dưa, chỉ cần thi thoảng có nước tưới dưới rãnh để nước vừa thấm luống dưa thôi, còn trên luống dưa mà chứa nước thì uổng công trồng, dưa sẽ chết ẻo. Do vậy, vụ xuân- hè, lắm ngày trời mưa, có cả mưa to, trồng dưa sợ dưa chết nên mới không ai dám trồng. Nhưng ông Quản lại khác, ông không trồng dưa ở chân ruộng thấp, trồng nơi ruộng cao, lại lên luống cao, rãnh đủ rộng để tháo nước. Ông vốn siêng làm nhưng “ngại nói”. Ngồi uống nước trong trại dưa, bà vợ cho biết “Khi thấy vợ chồng tui trồng dưa vụ này lắm người e ngại, nhiều người can ngăn, khuyên tui gieo lúa cho chắc ăn, còn trồng dưa e công đổ xuống mương máng… Vợ chồng tui vẫn quyết làm. Các anh chộ(thấy) đó, chừ(giờ) thì dưa tui quả mô cũng to, ăn ngọt, khách đến mua nhiều. Trồng 3 sào, nếu bán xong, nhiều thì không dám chắc nhưng tui thu trên 9 triệu đồng là chắc, trừ chi phí, lãi ròng 7,5 triệu đồng. Nếu gieo cấy lúa, có được mùa, 3 sào này tui thu 3,5 triệu đồng, trừ chi phí, lãi chỉ 1,5 triệu đồng là hết đát. Như vậy, cũng đất này, tui trồng dưa lãi gần gấp 5 lần so với trồng lúa, ai cho”. Bà Nghĩ lại khoái chí cười.

 

Vậy là, từ ngày “khai hỏa” trồng dưa vụ xuân- hè này, năm sau, người dân Hàm Ninh “đua nhau” trồng dưa mỗi năm 2 vụ. Lại thêm bước đột phá mới, ông Hoàng Trọng Tiến ở thôn Quyết Tiến không trồng dưa ngoài ruộng lúa mà trồng trên đất xưa nay chỉ trồng ngô, khoai, sắn và đậu lạc. Đất của ông, thuê thêm đất liền kề của người khác nữa, cả thảy 5 sào. Cuối vụ, dưa hấu của ông Tiến cho năng suất 35 tấn/ha, không  thua kém trồng dưa ngoài ruộng lúa. Điều đáng nói, để tránh tình trạng nông sản “được mùa, mất giá; mất mùa, được giá”, UBND xã Hàm Ninh chỉ đạo bà con nông dân trồng dưa theo hình thức rải vụ, không trồng cùng thời điểm để đến khi thu hoạch không bị thương lái ép giá. Muốn vậy, các hộ trồng dưa cùng hợp tác với nhau trồng theo hình thức cuốn chiếu nên thời gian thu hoạch được kéo dài từ 8 tháng đến 9 tháng mỗi năm. Dưa Hàm Ninh được thương lái nhiều nơi trong huyện, trong tỉnh về mua; họ mua về bán các chợ trong huyện, chợ Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Trạch, Lệ Thủy phục vụ người tiêu dùng, khách du lịch và mua để vận chuyển ra bán các tỉnh phía Bắc, sang Trung Quốc và vận chuyển vào các tỉnh Quảng trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng nữa.

Vào một sáng 1/9, dịp Quốc khánh 2/9, khi mặt trời ló lên quá dãy cát đàng Đông, tại các cánh đồng Hàm Ninh, người mua, người bán cười nói râm ran. Không dấu diếm chuyện lời lãi buôn bán, chị Hạ, một thương lái ở chợ Đồng Hới thật lòng “Thời điểm này, bọn em mua dưa tại ruộng với giá 8.000 đồng/kg, về bán với giá từ 10.000 đ đến 15.000 đồng/kg. bán dưa hấu Hàm Ninh bao giờ giá cũng cao hơn dưa các nơi khác em từng mua từ 5 đến 7 giá mà bán lại rất “chạy”, vì dưa Hàm Ninh quả to đều, vỏ mỏng, thịt dưa đỏ đẹp, ít hạt, ăn giòn và ngọt đậm nên khách hàng ai cũng ưa”.

Năm 2016, UBND huyện Quảng Ninh phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư huyện mở lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng dưa sạch, quá trình sản xuất đảm bảo tiêu chí an toàn theo hướng VietGAP. Từ đó, nhiều nông dân đã chuyển đổi phương thức canh tác theo quy trình VietGAP và tăng diện tích trồng dưa. Năm 2020, diện tích trồng dưa toàn xã lên gần 60 ha, dưa quả to, đều, bình quân mỗi quả nặng từ 2,5 kg đến 4 kg. Tính ra, hàng năm sản lượng dưa ở Hàm Ninh đạt khoảng 2.500 tấn. Thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa được UBND xã giao nhiệm vụ chủ trì bao tiêu sản phẩm cho nông dân, quả dưa mang ra thị trường đều có tem truy xuất nguồn gốc nhằm chống hàng giả, hàng kém chất lượng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Xuân Hưng- Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh vui mừng “Qua 15 năm triển khai chuyển đổi diện tích đất ruộng sang trồng dưa, nhiều hộ nông dân đã “chuyên nghiệp” với quy trình kỹ thuật trồng, khi thu hoạch, người dân phấn khởi bởi năng suất luôn đạt cao. Dưa Hàm Ninh đã được người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài tỉnh biết đến, ca ngợi về chất lượng sản phẩm. Tính ra, trồng dưa, mỗi héc ta thu được 280 triệu đồng, trừ chi phí, lãi ròng 170 triệu đến 200 triệu đồng. Trồng dưa hấu đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đã có nhiều hộ dân giàu lên, có nhà xây cao tầng, nuôi con học hành thành đạt. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã đăng ký nhãn hiệu sản phẩm dưa hấu Hàm Ninh tại Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời đã đăng ký sản phẩm ocop của địa phương. Các năm tiếp theo, chúng tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng và bảo vệ thương hiệu “Dưa hấu Hàm Ninh” nhằm tăng thu nhập cho bà con”.

 

Tôi chợt nhận ra, hành trình 15 năm trồng dưa hấu, Hàm Ninh có 3 “đột phá”, đó là ông Nguyễn Đức Sinh, người đầu tiên đưa dưa hấu về trồng trên đất lúa một vụ; ông Trần Quang Quản, người đầu tiên trồng dưa hấu vụ xuân- hè sau khi có nước Rào Đá về và ông Hoàng Trọng Tiến, trồng dưa trên đất trồng khoai, sắn, ngô. Từ những nông dân khai phá đó, nhiều người dân khác lại học và làm theo và đều cho hiệu quả kinh tế cao. Từ chổ, 3 anh em ông Sinh chỉ trồng 6 sào thử nghiệm, đến nay, diện tích trồng dưa trên đồng ruộng xã Hàm Ninh đã tăng lên gần 60 ha với hơn 170 người trồng. Trồng dưa, thu hoạch cao gấp 4 đến 5 lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích, đời sống người dân nơi “bán tử địa” ngày xưa nay đã được nâng lên và mô hình dưa hấu Hàm Ninh đã được nhân rộng, lan tỏa ra nhiều xã khác ở huyện Quảng Ninh, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Trong quá trình đổi thay, phát triển của Hàm Ninh, một phần quan trọng nhờ “Ngọt ngào dưa hấu Hàm Ninh”.

                                                                                                                             Bút ký: THÁI TOẢN

More